(BTĐKT) - Tân Lạc là một huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình. Dù xuất phát điểm thấp, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được huyện triển khai có hiệu quả.
Xác định xây dựng NTM mới là nhiệm vụ trọng tâm, Tân Lạc luôn nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng NTM. Đồng thời, xác định nội dung xây dựng NTM phải trở thành nhiệm vụ chính trị của từng địa phương và của các cơ quan có liên quan. Ngoài ra, huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho mỗi đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện. Chủ động có kế hoạch mỗi quý ít nhất 1 lần xuống địa phương được giao phụ trách để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra theo dõi việc thực hiện nội dung, tiêu chí thuộc ngành, đơn vị phụ trách. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương, động viên các địa phương hoàn thành tốt kế hoạch đề ra.
Nhân dân đóng góp ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn
Công tác tuyên truyền, vận động được huyện quan tâm, các phong trào thi đua được tích cực triển khai. Thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với phong trào “Tỉnh Hoà Bình chung sức xây dựng nông thôn mới”, các ban, ngành đoàn thể huyện như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Huyện Đoàn, UBND các xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ngày công, tiền, hiến đất để xây dựng NTM.
Tới nay, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Tân Lạc đã có nhiều thay đổi tích cực. Các tuyến đường liên xã, liên xóm, đường nội đồng được đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp. Trong năm 2021 huyện Tân Lạc đã cung ứng 900 tấn xi măng hỗ trợ các xã bê tông hóa được 4,45 km đường giao thông; hoàn thiện các công trình đầu tư giai đoạn 2018 - 2020, triển khai xây dựng 30 công trình.
Các địa phương đã thực hiện cải tạo và nâng cấp, kiên cố hóa, nạo vét kênh mương, xây dựng, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp bờ bao, cống, trạm bơm phục vụ tưới tiêu. Các đường dây điện không đảm bảo an toàn luôn được thay thế, số hộ sử dụng điện an toàn từ các nguồn đạt 100%.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng các trường học được đầu tư nâng cấp, năm 2021 có 37 công trình được đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp giáo dục. Cùng với đó, mạng lưới y tế cơ sở được phát triển rộng khắp, chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn được nâng lên, huyện đã duy trì tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng được đa dạng hóa và đẩy mạnh. Nhiều hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm thực hiện. Sinh hoạt cộng đồng từng bước đi vào nền nếp.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao thông qua các chương trình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất.
Ngoài ra, công tác đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự xã hội địa bàn nông thôn thường xuyên được duy trì, toàn huyện đã xây dựng được 132/132 xóm an ninh tự quản, đạt 100%.
Nhờ sự chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới tại Tân Lạc đang đi đúng hướng, nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Để đẩy nhanh chương trình xây dựng NTM, thời gian tới, huyện sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, đời sống của người dân; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, sản xuất mang tính hàng hóa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất, xây dựng các mô hình liên kết. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân; khuyến khích, tạo điều kiện để người dân thực sự là chủ thể trong xây dựng NTM."
Phương Linh